thuyết âm mưu chấn động
Bạn có biết điểm chung của John Wick 4 (2023), Người Tình (1992) và Đất Rừng Phương Nam (2023) là gì không?
Một nguồn tin mật CHƯA THỂ được kiểm chứng cho biết bộ phim “Đất Rừng Phương Nam” là một phần dự án nghiên cứu xã hội học toàn cầu, nghiên cứu văn hóa phản biện và các mô thức giao tiếp đặc thù từng quốc gia. Đây là một siêu dự án, diễn ra hơn 100 vùng lãnh thổ và kết quả được tổng hợp và báo cáo lên những lãnh đạo thế giới tối cao bao gồm Hội Đồng Bảo An
Dự án gồm ba giai đoạn, thu thập thông tin, tổng hợp và báo cáo. Chúng ta đang ở giai đoạn một, ở đó, các bộ phim gây tranh cãi được tung ra, từ đó, những thảo luận, tranh biện, đả kích và tung hô được ghi nhận, tổng hợp và lên mô hình
Qua dự án này, các luận điểm được chú ý bao gồm
*Sự đa dạng và cân bằng của các ý kiến trái chiều
*Cách người chưa xem bộ phim bị ảnh hưởng bởi ý kiến người khác (tiêu cực và tích cực)
*Quyết định của họ sau khi tiếp nhận ý kiến đánh giá của người khác (xem/không xem)
Hãy cùng nghiên cứu câu chuyện Đất rừng phương nam theo cách mà ông cha ta đã làm với con voi trong truyện dân gian “Thầy Bói Xem Voi”
Hãy tưởng tượng khán giả đại chúng là những người qua lại khu chợ hàng ngày. Giữa chợ là gian hàng đầy những ông thầy bói mù, nghe đồn có con voi sắp đi ngang qua đây, người ta bán vé 5 hào cho 1 lần xem, các ông thầy nào cũng tranh nhau khoe rằng mình hiểu cao học rộng, từng ông chia sẻ quan điểm của mình để người qua đường căn cứ mà quyết định bỏ ra 5 hào đi xem con voi nó ra thế nào hay là không.
Câu chuyện bắt đầu..
Khán tượng hội (hội xem voi)
Trước khi thấy con voi -DRPN, hãy xem những thầy bói, người chủ lăng kính xem voi là ai các bạn nhé.
Sau đây là danh sách (không đầy đủ) các người ảnh hưởng/người phát ngôn trong suốt giai đoạn đỉnh điểm gây bão của DRPN, từ khi chiếu sớm tới khi bị dính phốt
Youtuber/Stand up comedian Dưa Leo: Liệu DRPN có xuyên tạc lịch sử? “Double check” là thái độ người xem cần phải có khi nhìn nhận các vấn đề lịch sử (trích youtube nhân vật)
Nhà văn Hồ Anh Thái: “có thể tự do chuyển đổi, nhưng nếu đã mượn tên tác phẩm, thừa nhận dựa theo tác phẩm, hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm, thì phải hiểu phong cách của nó, và phải trung thành với tầm vóc sâu sắc và tinh tế của nó. Nếu không thì phim chỉ là sự mạo danh, là sự nấp bóng, sự ăn theo, vì mục đích lợi nhuận mà thôi.” (Nghĩ về thủ thuật làm phim câu khách – Văn Học Sài Gòn (vanhocsaigon.com))
Tiến sĩ văn học Hồ Thanh Vân “phim chủ yếu nói về những hoạt động của người Hoa ở các tổ chức hội kín là Thiên địa hội và Nghĩa hòa đoàn” (Phim ‘Đất rừng phương Nam’: Có thể hư cấu nhưng đừng làm sai lệch lịch sử (vtc.vn)
Cùng vô vàn kênh youtube, tiktok ẩn danh, không lộ mặt khác ..
Bạn thấy gì từ danh sách những chiến thần tạo sóng phê bình bộ phim trên? Điều dễ nhận thấy nhất là chúng ta hoàn toàn thiếu vắng những nhà phê bình phim chuyên nghiệp (film critic). Có lẽ vai trò này đang thiếu hụt trầm trọng khi nền điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển. Doanh thu từ chiếu phim lên đến 4000 tỷ đồng 1 năm (2019) với tăng 25-30% hàng năm (theo: Tri thức trẻ). Chúng ta cần nhiều hơn ý kiến từ những chuyên gia “toàn thời gian”, am hiểu và sỡ hữu kỹ năng, kỹ nghệ phê bình
Trong hàng ngũ các chiến binh review ở trên, điều nổi bật là sự ra mặt của “hội” nhà văn, thay mặt cho nhà văn Đoàn Giỏi đòi sự công bằng cho sự chuyển thể phải đúng tinh thần tác phẩm gốc
Những tranh cãi phần lớn nằm ngoài chất lượng bộ phim, thầy bói xem voi “lạc đề” trong cuồng nộ?
Theo trang kompa.ai chuyên thống kê tương tác trên mạng xã hội, bộ phim DRPN nằm trong top 3 sự kiện được dân cư mạng thổi lửa nhiều nhất hai tuần đầu tháng 10 2023, vượt qua show Vietnam Idol và trend “bánh đồng xu” cực hot với hơn 1 triệu lượt tương tác. Trong đó, nổi lên ba thảo luận chính
Tranh cãi yếu tố lịch sử của phim
Tranh cãi về một số trường trong HCM tổ chức cho học sinh, sinh viên đi xem phim
Cảm nhận của khán giả sau khi xem suất chiếu sớm
Việc ba chủ đề trên hoàn toàn lấn át những trao đổi thông thường nên có khi bàn về một cuốn phim như nó có hay không? Diễn viên đóng như thế nào? Tình tiết nào làm bạn cảm động? Cảnh quay có đẹp không?Sự lạ lùng này làm nên điều vô cùng đặc biệt cho ĐRPN, giúp nó trở thành
Một trong những bộ phim có PR không tích cực nhưng vẫn đạt doanh thu cao (hơn 100 tỷ đến lúc này)
Một trong những phim bị các nhà không-phải-phê-bình phim chê tơi tả, nhất là các nhà văn
Sự “lạc hướng” vô tình hay hữu ý này của các thầy bói làm tôi không thể không liên tưởng đến những bản năng làm nên cách góc nhìn lệch lạc về sự vật quanh ta mà giáo sư Han Rosling đã đẻ lại trong tác phẩm bestseller toàn cầu FACTFULNESS (Sự thât về thế giới)
Bản năng chia đôi: Thế giới này hiện lên trong mắt ta chỉ có người tốt, hoặc kẻ xấu.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cùng Youtuber Dưa Leo cùng chung nhận định, những đánh giá tiêu cực về bộ phim phần lớn tới từ những anti-fan của Trấn Thành, họ không xem phim, đánh giá phim của Thành phải là một bộ phim tồi tệ như chính anh ta và khuyên những ai chưa xem thì đừng mất thời gian. Ông bà ta có câu “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”, vô cùng hợp lý trong trường hợp này
Bản năng tiêu cực: Người ta thường để ý tới những điều xấu xung quanh mình, chứ không chịu khó đi tìm điều tốt. Lần cuối truyền thông đưa tin về số trẻ em KHÔNG bị chết đuối, số hộ gia đình KHÔNG bị chó dại cắn là khi nào? Thực tế là tin xấu thường bay nhanh hơn tin tốt và nhờ đó mà nền công nghệ tin tức mới sống tới ngày hôm nay. Và ngày nay, con quái vật đó mọc thêm cánh nhờ tốc độ internet, sự bùng nổ mạng xã hội, nó cắn vào bất cứ “từ khóa” ngon lành nào và kéo theo hàng nghìn hàng vạn đồng bọn của nó vào xâu xé. Việc youtuber, livestream kéo ùn ùn đến những đám tang nghệ sỹ giờ không còn là việc hiếm. Không gì diễn ta tình trạng này rõ ràng hơn câu Tát nước theo mưa mà người xưa từng nói
Bản năng khái quát, đơn giản hóa
Một tối nọ, người cha trằn trọc khó ngủ vì áp lực công việc. Tới khi ông ta dần chìm vào giấc ngủ mê man thì một bàn chân thọc vào bụng như trời giáng làm ông tỉnh giấc. Thì ra không phải cướp, trộm, chó mèo mà là cô con gái nhỏ mê ngủ, gác chân lên bụng ông. Giật mình vi mất ngủ, cơn giận xung thiên xâm chiếm tâm trí, và trong một tích tắc hòa tan vào cơn giận, ông đét đít nó, đêm đó, cả hai cha con đều mất ngủ. Và sáng hôm sau, người đàn ông hối hận vô cùng vì sự hồ đồ của mình. Mẩu chuyện trên cho thấy sự nguy hiểm của vô minh, nó có thể âm thầm xâm nhập và làm chủ những con người thông thái nhất, tình cảm nhất, biến họ thành một cỗ máy vô trì, đầu hàng cảm xúc.
Cho đến nay, đoàn phim DRPN đã chỉnh sửa các chi tiết gây tranh cãi, nhưng thực sự, để nói bộ phim tập trung kể câu chuyện hướng về “phương Bắc” với nhân vật chính là bang hội, giải phóng người việt thì thực sự thiếu căn cứ và khiên cưỡng. Nếu ta nhìn lại với con mắt sáng suốt và tìm ra những căn cứ, hãy xem thời lượng xuất hiện của những con người đó? Xem kết cuộc của họ trong bộ phim? Xem năng lực của họ được mô tả như thế nào? Ông bà ta đã dạy rằng “Nói có sách, mách có chứng” cũng là một biên pháp hay để thắng được bản năng này
Sàng khôn hội nói gì?
Thật dễ khi đứng về số đông vì nhiều lẽ: khi sai, đâu chỉ riêng mình, không sợ quê, không sợ bị chê là ngu, ít ra thì ngu một lũ, không riêng gì mình. Khi đúng thì hả hê sỉ vả đám ngu ngục kia, dám xúc phạm trí khôn của “bọn ta”
Đi nhiều, tiếp xúc nhiều tôi mới thấy, không ai ép mình ngu cả, là do mình lựa chọn mà thôi, và những điều đúng trong cuộc đời, không phải do nhiều người nói như vậy, mà mặc nhiên mà nó đúng đâu. Hiền triết Aristole của Hy Lạp cổ đã tin và chia sẻ ý tưởng rằng Trái Đất hình tròn. Mất thời gian 18 thế kỷ (từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 15 sau công nguyên), người ta mới chấp nhận đó là một sự thật. Biết đâu thời đó họ gọi ông là thằng ngu, tên lừa đảo, không chừng.
Dưới góc độ một người không còn trẻ, cũng không hẳn già, một người cha thuộc thế hệ thiên niên kỷ sẽ đưa ra và trả lời hai câu hỏi sau đây. Chúng ta, không phải nhà phê bình phim, phê bình văn học hay đại diện Cuc Điện Anh, vấn đề ta quan tâm dưới vai trò một người dân bình thường (không phải người bình dân nhé) và một phụ huynh tưu trung lại
Nếu phim có diễn viên mình không ưa, mình có đi xem phim đó không?
Tôi biết bản năng chia đôi sẽ mách bảo bạn ở nhà. 10 lần thì chắc 3-4 lần tôi cũng sẽ như bạn. Nhưng tôi muốn bạn thử làm thêm một bước trước khi quyết định. Hãy thử hỏi, vai trò của người diễn viên đó chiếm tỷ lệ thế nào trong bộ phim (vai chính, vai phụ, có thoại hay không, ít hay nhiều, có vai trò viết kịch bản hay vai trò gì khác hay không) Nếu câu trả lời là không đáng kể thì mình cứ đi xem thôi. Đâu thể vì một người không ưa mà làm mình hy sinh một buổi thưởng thức phim hay cùng gia đình, phải không các bạn?
Cái khó là khi phim về chủ đề bạn muốn xem mà do đạo diễn hay diễn viên chính bạn không thiện cảm cầm trịch, làm sao giờ? Việc này làm tôi nhớ đến một điển tích trong Phật Giáo, khi có người hỏi hỏi Ngài giáo pháp của ngài giảng có phải là sự thật của thế gian hay không thì Ngài ôn tồn trả lời giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả. Giáo pháp của tôi là để thực tập chứ không phải là để cất giữ mà thờ phụng và ca ngợi.
Cũng như vậy, nếu chúng ta cho rằng người mà mình không ưa đại diện cho cả bộ phim đó, chẳng phải ta quá đề cao họ rồi chăng? Như vậy vô tình ta biến họ thành mặt trăng, trong khi họ chỉ là một ngón tay trong vô vàn ngón tay trong nhân gian.
Tất nhiên, việc bạn không đi xem có nghĩa bạn ý chí kém, trình độ giác ngộ thấp. Chỉ cần bạn biết rằng, có góc nhìn như trên tồn tại. Và biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ thấy yên lòng hơn khi đứng trước một quyết định đau đầu như vậy
2. Nếu trường học (cấp 2) cho con bạn đi ngoại khóa xem phim này (phim được dán mác cho trẻ trên 13 tuổi, phù hợp lứa tuổi con bạn) Bạn có cho phép bé đi xem không?
Có lẽ bạn đã cập nhật hết các lý do phản bác, miệt thị các trường khi tổ chức cho các em đi xem phim DRPN, chẳng thế thì chủ đề đó đã không lọt top 3 xu hướng khi nói về phim. Vậy lý do để vẫn cho con đi xem là gì? Vì chưa thấy nhiều thông tin chiều này nên tôi chia sẻ vài ý. Mọi việc vốn dĩ có quy trình của nó. Phải chăng chúng ta có một nỗi sợ hãi những “quy trình” này? Niềm tin cho những tổ chức đằng sau những quy trình không đủ lớn?
Qui trình kiểm duyệt phim? Cục điện ảnh là đơn vị kiểm duyệt cho phép phim ra rạp và với nhóm công chúng độ tuổi nào. Cục trưởng phát biểu như sau “Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi không phải là truyện lịch sử mà là tiểu thuyết văn học mà bản thân tiểu thuyết văn học thì đã có yếu tố hư cấu. Đến Đất rừng phương Nam là phim truyện điện ảnh và cũng là hư cấu. Thời điểm phim Đất rừng phương Nam đề cập đến là năm 1920-1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thành lập. Phải nhìn ở góc độ như vậy thì mới khách quan. Tuy nhiên việc lấy tên hai hội nhóm như vậy là không phù hợp và nhà sản xuất đã nhận ra và chủ động xin được thay đổi”, ông Vi Kiến Thành nói.
Qui trình nhà trường tổ chức sự kiện ngoại khóa. Ở đây có chút thất vộng với cách nhà trường trả lời phàn hồi “dư luận”. Cái các thầy cô vô tình dạy cho các em đó là. Khi phe số đông nhiều hơn, chúng ta hãy quay xe. Không thấy một phản biện có sức nặng nào mà thay vào đó, là quay xe và đổ lỗi, một bản năng khác mà Hans Rosling đề cập trong Factfulness
Thế có đi xem voi không?
Tạm thay lời kết, để giúp người chưa từng xem phim DRPN có thể ra quyết định trước khi bộ phim rút ra khỏi rạp trong vài ngày nữa, hãy cùng xem lại các qui luật đã ảnh hưởng đến các thầy bói (những người nêu ý kiến trên khắp diễn đàn, báo, tv,v.v..), người qua đường đang lắng nghe các thầy.
-Bản năng khát quát hóa, đơn giản hóa
-Bản năng chia đôi
-Bản năng đổ lỗi
-Và cuối cùng là qui luật cung cầu. Hãy xem đối thủ của DRPN trong tháng 10, 2023, các phim cùng mác T13 (cấm trẻ em dưới 13) gồm có
-Rascal Does Not Dream of a Sister Venturing Out (Anime Nhật)
-Giao Lộ 8675 (kinh dị Việt Nam)
-Himalaya – Hành Trình Của Thủ Lĩnh.(Hoạt hình)
-Wolfoo Và Hòn Đảo Kỳ Bí -(hoạt hình Việt Nam)
-Đồ chơi (Tâm lý Pháp)
-Bước chân thép (Tâm lý Hàn)
Quy luật cung cầu vô cùng đơn giản: chúng ta bỏ tiền vé ra mua tác phẩm mang lại nhiều lợi ích nhất bao gồm thời gian thư giản thoải mái cho nhiều người trong gia đình nhất, tác phẩm có “sự quen thuộc” hơn trong số đang chiếu, tác phẩm nói tiếng Việt
Lần sau khi các bạn đọc, nghe, xem các bình luận phê bình bộ phim mới ra nào, đừng quên, có thể nhận định đó bị chị phối bởi một hoặc tất cả các qui luật trên.
Hãy xem những bộ phim thật hay và học được nhiều bài học trong cuộc đời quý báu này các bạn nhé!