Trò chuyện với người chết hay lời cảm ơn ông Rosling
Thông thường sách càng nhiều số liệu, biểu đồ thông điệp truyền tải thường không tích cực, sách văn vẻ không số liệu thì lại tích cực quá liều đôi khi có phần độc hại. Cho tới khi cầm quyển sách Factfulness lên, tôi được khai sáng rằng chính từ những con số mới là hạt giống vững chắc để xây dựng nên hy vọng nền tảng trong mỗi chúng ta.
Tôi nhớ cảm xúc khi vừa bước ra khỏi văn phòng bảo hiểm xã hội quận, một nơi mà cách đây vài chục năm, tôi không bao giờ nghĩ mình phải ghé qua. Tôi vẽ ra trong đầu nào là sự ngột ngạt, chen chúc, quát tháo, và cãi vã giữa người và người, những ánh nhìn sắc như dao của những viên chức, sự sốt ruột của một đám người ồn ào mất trật tự. Nhưng thực tế là, mọi chuyện không diễn ra như thế. Tôi phải cảm ơn tác giả Han vì đã chỉ cho tôi biết ra rằng mọi việc tốt hơn chúng ta tưởng. Không chỉ có thế, điều tôi cảm ơn ông nhiều nhất chính là cách ông chứng minh cho tôi thấy, rằng số liệu CÓ THỂ thay đổi thế giới bằng cách thay đổi suy nghi của chúng ta. Tôi không tích cực. Tôi yêu thích mày mò con số, nhưng càng xoay vần với nó, tôi càng lún sâu vào sự tiêu cực, thất vọng và mất niềm tin vào việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Han đã giúp tôi xóa nhòa điều đó.
Điều đáng tiếc nhất là tôi định gửi một lá thư cảm ơn cho ông, thì nhận ra, vào những dòng cuối cùng của quyển sách, rằng đó cũng món quà dành tặng thế gian trước khi ông ra đi.
Nó càng làm tôi trân trọng và yêu quý quyển sách. Ông đã hân hoan chào đón tôi từ những trang đầu tiên, thuyết phục tôi với những mẩu chuyện có thực về mảnh đời muôn nơi mà ông từng tiếp xúc và giúp đỡ, thẳng thắn trải lòng về sai lầm của ông và những người vô cùng thông thái khác, để rồi dùng số liệu chứng minh cho tôi thấy những bản năng sai lầm và cũ kỹ trong tôi và trong chúng ta. Ông đã không đưa lời cáo từ lên đầu vào dùng nó dẫn dắt người đọc. Ông mời chào bằng một nụ cười, và chia tay khi nụ cười đó được truyền cho độc giả.
Nếu bạn ưa thích dòng sách nghiên cứu hành vi, lịch sử, đây chắc chắn là quyển sách dành cho bạn
Tại sao nên đọc Factfulness
Là một công trình nghiên cứu:
Những câu chuyện và kiến thức đúc kết trong quyển sách là “hành trình 18 năm miệt mài” của ba cha con nhà Rosling gồm tác giả Hans, con trai Ola và con dâu Anna
Dựa vào kinh nghiệm, sự tận tâm đau đáu của bác sỹ, giảng viên và nhà nghiên cứu y tế Hans, hai con của ông hợp tác thiết kế và vận hành hệ thống đo lường tình trạng vô minh toàn cầu về các vấn đề mà cha mình nhức nhối trăn trở giải quyết. Sứ mệnh của gia đình Rosling là mang lại thế giới quan tỉnh thức và dễ hiểu cho đại chúng
Có tính ứng dụng cao cho người Việt:
- Ông bà ta có câu “Biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, có lẽ lời của cổ nhân đã không còn đủ sức vang vọng tới thời nay, nên hiếm thấy ai “dựa cột” trong xã hội ngày nay, dù cho trên bàn nhậu, trên đường hay trong nhà. Dạo một vòng các tin tức, chính thống cũng như báo mạng, sẽ thấy cơ man nào là những cái chết thương tâm do tranh cãi trên bàn nhậu, quanh dàn loa karaoke, trên lề đường sau vài cái va quẹt xe..Một xã hội ngày càng đông dân, ngày càng sống nhanh, ngày càng nhiều tiếng ồn hơn là tiếng nói, thì có lẽ đã đến lúc chúng ta cần chậm lại một chút và suy xét điều gì thôi thúc chúng ta hành xử như vậy chăng
Một bảng thuyết minh triết lý đạo Phật dùng số liệu
Factfullness là một quyển sách rặt Tây, là sách do ông Tây viết sau khi đi nghiên cứu ở các nước châu Phi và trình bày cho đối tượng là giới tinh hoa trời Tây. Tuy nhiên, ẩn sau cách hành văn, cách trình bày và nội dung rất Tây ấy, là những khái niệm rất phương Đông và đậm chất Phật Giáo. Trong số đó là khái niệm khá quen thuộc trong từ điển Phật học
- Vô thường (impermanence) Trong tam pháp ấn (ba dấu ấn chánh pháp) tượng trưng của Đạo Phật, vô thường là một trong số đó. Vô thường đơn giản chỉ ra rằng, vạn sự trong thế gian không có gì là không thay đổi. Trong Factfulness, hai bản năng được Hans Rosling chỉ ra chính là biểu hiện của tính vô thường đó là:
-Bản năng định mệnh: chúng ta đánh đồng sự thay đổi chậm và không thay đổi và tin rằng mọi chuyện đã an bài như định mệnh
-Bản năng đường thẳng: Chỉ vì mọi chuyện không như ý ta trong thời gian gần đây, ta vội qui chup rằng mọi việc sẽ chỉ xấu đi mà thôi. Nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế, bản năng đường thẳng phát huy tác hại và bị củng cố bởi những vòng lặp tin tức tiêu cực
- Vô minh: Trong thế gian, có ba thứ độc được là nguồn cơn mọi sự khổ trên đời, đó chính là tam độc THAM-SÂN-S I
Khi người ta THAM
- Bản năng khẩn cấp: Có bao giờ bạn tự hỏi lúc nào mở tờ báo ra cúng luôn nhan nhản các tin tức về lừa đảo đa cấp, hoặc chí ít là các mẩu quảng cáo na ná nhau “Ngay hôm nay” “Đừng bỏ lỡ” “Sale chấn động, giá sập sàn..”. Điều đáng nói là số người bị lừa không hề giảm đi, tin tức mời gọi cũng chỉ tăng lên mà không giảm sút. Con người dễ bị thao túng thật và đó chính là bản năng khẩn cấp khiến chúng ta mờ mắt. Bản năng khẩn cấp là nút kích hoạt sự chụp giật, tạo ra những “cơn sóng” giúp một số làm giàu mà một số khác bị nhấn chìm
Khi người ta SÂN
- Đổ lỗi:
“Bản năng tìm kiếm thủ phạm làm ta mất đi khả năng phát triển sự hiểu biết thực sự về thế giới..khi đã quyết định đấm vào mặt ai đó thì ta sẽ ngừng tìm kiếm nguyên nhân ở nơi khác”
- Tiêu cực: Bản năng này khiến ta thấy “có lỗi” khi quá lạc quan về tương lai khi hiện tại còn chưa tốt là mấy, cộng với hiệu ứng hoài niệm luôn mà hồng và truyền thông đưa tin lệch lạc, đã tạo nên bản năng tiêu cực này
Khi người ta SI
- Bản năng sợ hãi: Bạn có biết bản năng sợ hãi có thể di truyền qua nhiều thế hệ và làm hỏng sự tập trung của con người trong tích tắc?
- Khái quát hóa
Có một thời gian câu vè này vô cùng phổ biến trong thế hệ Gen X, Gen Y ở Sài Gòn: “ăn quận 5, nằm quận 3, la cà quận 1”. Đó là cái thời mà thành phố chưa có nhiều dự án hạ tầng như bây giờ, chưa qui hoạch metro, chưa có Phú Mỹ Hưng, chưa có thành phố Thủ Đức. Áp dụng trong hoàn cảnh bây giờ, câu vè xưa hẳn chỉ là hoài niệm. Việc bám víu và những khái quát cũ là bản năng mà gần như ai cũng mắc phải.
- Khoảng cách: Thiền sư Nhất Hạnh nói về Bất Nhị như một nguyên tắc không phân biệt các sự vật với nhau mà vạn vật đều có sự liên hệ (interbeing). Nhưng người ta vốn quen với suy nghĩ nhị nguyên, luôn phân biệt trái và phải, đúng và sai, có và không. Bởi thế, người Âu Mỹ mắc kẹt trong suy nghĩ Việt Nam là đất nước sau chiến tranh, còn người Việt kẹt trong ấn tượng Campuchia là nước nghèo kém phát triển
- Kích thước
Theo factfulness, chúng ta dễ bị phân tán sự tập trung cho vấn đề trước mắt mà quên mất những việc quan trọng phía sau mà ta không nhìn thấy. Đây là một bản năng gây khó xử nhất trong toàn bộ 10 bản năng mà quyển sách đề cập. Liệu bác sỹ nên dành nhiều thời gian cứu từng đứa bé đến trạm y tế, hay nên đi xuống các vùng xa hơn? Cứu ai, bỏ ai là câu hỏi ray rút mà không ai có câu trả lời đúng.
- Đơn giản hóa
Là người giảm hơn 20kg trong một thời gian vật lộn tìm kiếm phương pháp phù hợp bản thân. Tôi nghe xem đọc không biết bao nhiêu bài báo và tài liệu kiểu “ăn cái này giảm ngay xx kg” “tập bài này, giảm liền trong 2 ngày”. Sự thật là không có một thuốc tiên nào trị bách bệnh, không có một giải pháp nào áp dụng chung cho số đông. Chỉ chắc chắn một điều, chúng ta là nạn nhân của bản năng đơn giản hóa, khi tin rằng luôn có 1 giải pháp đơn giản cho 1 vấn đề
Bài học từ Factfulness
- Trong những thứ ta để lại cho thế hệ sau, có cả nỗi sợ hãi của chúng ta
Bạn có bao giờ để ý hầu hết các phim kinh dị từ Âu sang Á đều lấy bối cảnh là trường học về đêm, bệnh viện cũ, hay nghĩa địa hoang vắng? Hoặc khi văn phòng đột ngột cúp điện thì có tiếng đồng nghiệp la toáng lên
Những con người bình thường vô cùng lịch thiệp nhã nhặn, bỗng dưng run cầm cập khi có con gián nhỏ xuất hiện trên mặt bàn họp.
Những tình huống thường gặp đấy khẳng định sự thật chúng ta ít để ý rằng trong vô số món quà mà tổ tiên chúng ta để lại có cả những nỗi sợ vô lý trong thời đại ngày nay
Không chỉ những bản năng được lưu giừ từ hàng chục ngàn năm từ thưở loài người còn săn bắt hái lượm, mà ngay cả những cảm xúc mạnh, những khủng hoảng tâm lý còn có khả năng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (Kế thừa cảm xúc, Galit Atlas)
Khi đọc đến bản năng sợ hãi, tôi không khỏi liên tưởng đến cách dạy con của TS Trương Nguyện Thành đề cập trong “Cha Voi”, rằng chúng ta phải thiết kế các hành trình để cùng con trải nghiệm và dạy con vượt khó, tạo tâm lý kháng bại. Chẳng phải đó là một sự chủ động vượt qua sợ hãi mà chúng ta, các bậc phụ huynh phải luyện tập mỗi ngày để làm mới bản thân cũng như làm gương cho con mình hay sao?
Chỉ khi con người chinh phục nỗi sợ hãi chính mình, họ mới có tự do đích thực. Nỗi sợ hãi là biển báo chỉ đường, không phải là bảng báo đích đến. Những ai ngộ ra điều này, sẽ bước trên đường đời với tâm thế an yên, tự tin
- Những người trí thức cũng có những nhận định hồ đồ
“Factfulness” lột trần nhiều sự thật về bản năng con người, nhưng ngoài ra, còn một sự thật chấn động nữa chúng ta cần để ý. Rất nhiều lần trong quyển sách, tác giả chỉ ra rằng trong vô số con người tại các quốc gia trả lời sai những câu hỏi lớn về thế giới, thì giới tinh hoa (lãnh đạo, học giả, v.v) lại KHÔNG hề trả lời tốt hơn đại chúng, chính xác thì họ lại SAI nhiều nhất. Vậy là rõ ràng, bản năng sai lầm không chừa một ai, và càng học cao, địa vị cao, sự ngộ nhận càng lớn.
Vậy tại sao bạn lại tự ti khi có ý kiến khác với số đông và khác với sếp bạn, ông bà cha mẹ, hay những giáo sư tiến sỹ nào đó? Miễn là bạn có cái nhìn tổng thể, biện chứng và chứng minh được lý lẽ mình qua số liệu, thực tiễn, ý tưởng của bạn và chính bạn nên ngẩng cao đầu
- Cỗ máy truyền thông tà ác
Tôi rất tâm đắc câu nói bản năng ngày xưa giúp ông bà ta sống sót thì ngày nay giúp nhà báo có việc làm.
Chúng ta ra chợ hay đi siêu thị mua hàng luôn săm soi xem kỹ thành phần sản phẩm, xuất xứ, giá cả từng món trước khi mua, thậm chí so sánh rồi mới xuống tiền. Ấy vậy mà hàng ngày, ta tiêu thụ cả trăm, cả ngàn tin tức, clip ngắn, clip dài, bài post mạng xã hội mà không hề săm soi “Ai là tác giả” “Vì sao họ lại đựa tin như vậy”, đối chiếu tin này với tin khác xem như thế nào, có nên tin, nên “mua” hay không. Ngoài đời ta là con sói khôn ngoan tự tin không bao giờ bị lừa bị lùa, là người tiêu dùng thông thái. Trên mạng, ta chỉ là một chú cừu non.
Những lỗ hổng bản năng, bị giới truyền thông khai thác triệt để, hết lần này đến lần khác. Một khi bạn không che chắn, nó sẽ bị vô số “hàng giả” “hàng kém chất lượng” tuồn qua. Hãy là nhà tiêu dùng “thông tin” “văn hóa” thông thái khi mua một quyển sách khi mua một bài trạng trái trên Facebook hay mua một clip giải trí trên Youtube.
Đừng hiểu lầm Han, ông không phải là người tẩy chay báo chí vì ngay chính trong những chương sau của sách, ông đã thực hiện thí nghiệm và giải oan cho họ, rằng chính họ cũng là nạn nhân của 10 bản năng quái ác
Lần giở quyển Factfulness
- Thể loại:
- Bio: bởi vì đọc nó tôi có cảm giác đang xem bộ phim Danh sách ông Schindler, hay gần nhất là tác phẩm Người đọc tin (News of the world) của Tom Hanks Nhân vật chính là một ông già khổ hạnh mày mò tìm hiểu về những mảnh đời tình cờ bắt gặp trên đường đời và nảy ra một thôi thúc mãnh liệt muốn giúp đỡ họ có một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi thấy mình trong ông và trong những người cần được giúp đỡ
- Research: bởi lẽ có quá nhiều dữ liệu hay ho được trình bày khúc chiết. Bên cạnh đó là những công cụ sống động có thể mở rộng hiểu biết thêm về đề tài thu nhập, bình đẳng giữa các quốc gia, văn hóa sinh hoạt, vân vân (điển hình là trang gapminder và dollar street mà tác giả đề cập)
- Related title: Tôi có cảm giác giống giọng văn Yuel Noah, Malcolm Gladwell. Tiếc là ông là nhà nghiên cứu và y tế nhiều hơn là nhà văn nên ít có tác phẩm. Nhưng nó là một trong những quyển sách xuất sắc nhất trong thể loại này
-
- Cấu trúc
- Bản đồ kết nối trực giác: Việt Nam ở đâu
- Lời tác giả: Người nuốt kiếm viết sách, Bài kiểm tra sửng sốt về nhân loại cho nhân loại
- 10 chương 10 bản năng
- Cấu trúc
- Chương 1: Bản năng khoảng cách (hay đừng chia đôi thế giới)
Sự phân chia lỗi thời “nước phát triển” vs “đang phát triển”
- Chương 2: Bản năng tiêu cực
Bạn biết gì về 32 điều tốt đẹp đang diễn ra khắp thế giới? (16 điều tồi tệ đang biến mât, 16 điều tốt đang tốt lên)
- Chương 3: Bản năng đường thẳng
Có người khuyên ngăn Quỹ Bill Gates ngưng tài trợ cho trẻ em đói nghèo vì lo ngại hành tinh sẽ nổ tung vì quá tải dân số. Phản hồi của Bill đó là chính đầu tư và y tế và giáo dục cơ bản mới chấm dứt tình trạng bùng nổ dân số!
- Chương 4: Bản năng sợ hãi
Những nỗi sợ hãi ngày xưa giúp tổ tiên ta sống sót, ngày nay giúp nhà báo có việc làm!!
- Chương 5: Bản năng kích thước
Bản năng kích thước hướng sự chú ý và nguồn lực hạn chế vào các trường hợp riêng lẻ hay nạn nhân mà ta chứng kiến
- Chương 6: Bản năng khái quát hóa (đừng vơ đũa cả nắm)
Một thực tập sinh Thụy Điển suýt phải cưa chân vì thò ra khỏi một thang máy ở Ấn Độ hòng ngăn đóng cửa. Bản năng khái quát đã hại cô
- Chương 7: Bản năng định mệnh
Lần cuối bạn được người nước ngoài hỏi liệu người Việt có biết nói tiếng Pháp, hay đất nước mình đã có điện khắp quốc gia chưa, đừng nổi giận, hãy biết rằng họ bị bản năng định mệnh chi phối.
- Chương 8: Bản năng đơn giản hóa (phiến diện) thầy bói xem voi
Một thủ tướng khôn ngoan nhìn vào con số và những thứ ngoài con số
- Chương 9: Bản năng đổ lỗi
Bạn có để ý mũi dù thường hướng tới các đối tượng: doanh nhân, nhà báo và người nước ngoài?
- Chương 10: Bản năng khẩn cấp
Đừng vội tin những bảng quảng cáo “Cơ hội chỉ ngay hôm nay, ngay bây giờ
Lời kết
Nếu bạn chỉ có thời gian đọc 1 quyển sách trong 1 năm như bao người Việt Nam khác, hãy chọn quyển này. Nếu bạn muốn thay đổi thế giới quan của bản thân, nếu bạn muốn tìm hiểu về tương lai, nếu bạn quan tâm đến lịch sử, hãy chọn quyển sách này. Nếu bạn muốn giới thiệu một quyển sách cho ai đó, hãy chọn quyển sách này